Vẻ đẹp của bảo tháp lớn nhất Đông Nam Á

Bảo Tháp Xá Lợi – chùa Bái Đính

Hoa Lư, Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Đinh nhà Tiền Lê mở ra thời kì độc lập thống nhất và phát triển lâu dài tại Việt Nam. Đạo Phật thời kì này cũng không là ngoại lệ đã phát triển đến đỉnh cao và tham dự vào nhiều sự kiện hệ trọng của đất nước. Theo lẽ đó, Hoa Lư dần trở thành trung tâm của phật giáo với khá nhiều chùa tháp được xây dựng như chùa bái Đính, chùa Am Tiêm, chùa Địch Lộng…. Chùa Bái Đính ra đời như một minh chứng cho sự chấn hưng của đạo Phật ở nước ta. Có rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ phải kể đến là Bảo tháp Xá Lợi ở chùa Bái Đính. Đây là bảo thấp lớn nhất Đông Nam Á.

Toàn cảnh chùa Bái Đính nhìn từ Bảo Tháp Xá Lợi
Toàn cảnh chùa Bái Đính nhìn từ Bảo Tháp Xá Lợi
Tháp Xá Lợi đẹp nhất về đêm
Tháp Xá Lợi đẹp nhất về đêm

Tọa lạc ở phía Tây điện Tam Thế, Bảo Tháp Xá Lợi có 13 tầng, có thang máy, cao 99m tương ứng với chiều sâu của móng tháp, chân tháp là một kiến trúc lục giác kiên cố với chu vi 24m. Con số 99 tượng trưng cho sự vĩnh cửu nghĩa là tốt lành và trường tồn mãi mãi.

Bên ngoài toà Bảo Tháp được tạo nên từ những vật liệu cổ truyền như gạch nung theo phương thức cổ Bát Tràng, hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Lý sóng, nước, mây, lá bồ đề cách điệu…. những tượng phật nhỏ bằng đá được đặt hài hoà xung quanh 6 cạnh và bố trí đều đặn từ chân lên đến ngọn tháp.

Bạn có thể quan tâm du lịch Bái Đính Tràng An. 

Bước vào bên trong lòng tháp, du khách không khỏi choáng ngợp và ngạc nhiên trước một không gian lộng lẫy, tràn ngập sắc vàng, nổi bật nhất là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được dát vàng rực rỡ. Bệ thờ được tạc bằng đá xanh gồm ba cấp, bệ to nhất có đường kính 4,05 mét, bệ thứ hai có đường kính 3,06 mét được chạm khắc hoạ tiết rồng, hoa sen cách điệu và các linh vật rất tinh xảo. Mặt trên cùng của bệ thờ chính là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang toạ thiền, bức tượng này còn được biết đến với tên gọi là tượng Tuyết Sơn – nghĩa là Thích Ca đang khổ hạnh trên núi tuyết. Tương truyền rằng, trước khi trở thành Phật, Ngài đã có 6 năm tu hành trong khu rừng rậm trên dãy núi Tuyết Sơn theo lối Đầu Đà Khổ Hạnh, bởi vậy tạo hình của Bức tượng cũng chính là một biểu trưng thể hiện cho thời kỳ khổ hạnh mà Ngài đã trải qua.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong bảo thấp
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong bảo thấp

Sáu mặt tường xung quanh bức tượng được xây dựng và chế tác bằng đá thạch anh có nguồn gốc từ Ấn Độ, trên mỗi bức tường là phù điêu được trạm khắc điêu luyện, miêu tả chân thực về cuộc đời của Đức Phật, kể từ khi sinh ra đến khi tu thành chính đạo. Những tầng tiếp theo của toà tháp mô phỏng lại các điển tích trong cuộc đời của Ngài kết hợp với những hoa văn trang trí được trạm trổ sắc nét và cầu kỳ.

Bức tường bên trong tòa bảo tháp
Bức tường bên trong tòa bảo tháp

Tầng cao nhất của tháp cũng chính là nơi bảo tồn Ngọc xá lị của Đức Phật Như Lai. Tương truyền, sau khi Ngài viên tịch, các đệ tử làm lễ trà tỳ, sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, toả sáng lấp lánh khiến không gian xung quanh tháp càng trở nên linh thiêng và tráng lệ.  Xong họ đếm được có tất cả 84.000 viên, được chia làm tám phần mà sau này được gọi là Xá Lợi của Phật Tổ. Chỉ những vị cao tăng khi sống có đức độ được người người kính trọng thì khi mất đi mới có xá lị. Đây được coi bảo vật của Phật giáo Ấn Độ và Thế Giới. Bảo tháp chùa Bái Đính được vinh dự lưu giữ một phần Xá Lợi đó tại tầng thứ 13 của Tháp.

Tầng trên cùng của Bảo Tháp nơi cất Phật xá lợi
Tầng trên cùng của Bảo Tháp nơi cất Phật xá lợi

Như vậy, có thể thấy, tháp 13 tầng trong Phật giáo là một dạng tháp tương đối hiếm, con số 13 cũng là một hàm số biểu trưng cho 13 vòng sanh của Phật. Tháp Xá Lợi uy nghi, đồ sộ với 13 tầng mang dáng dấp của Tháp Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ như mang hàm ý cho sự hiển linh của Phật Tổ, sự trường tồn mãi với thời gian của những ý niệm sâu sắc về đạo Phật.