“Cánh cửa” để Tràng An trở thành di sản thế giới đã rộng mở

Sau 1 năm chuẩn bị, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xác định được các tiêu chí 5, 7, 8 để lập hồ sơ di sản Quần thể danh thắng du lịch  Tràng An. Nhận định về kết quả này, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn cho rằng: “Cánh cửa” để Tràng An trở thành di sản thế giới đã rộng mở.

Vài nét về danh thắng Tràng An

Nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ở phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, Quần thể khu du lịch Tràng An được đề cử trở thành di sản thế giới tiêu chí hỗn hợp với các giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc. Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động; khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Tổng diện tích của Quần thể là 4.000 ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000 ha, gồm chủ yếu là các cánh đồng lúa.
Danh Thắng Tràn An
Danh Thắng Tràn An
 Kết thúc giai đoạn 1, khảo sát thực địa, thu thập tư liệu, nghiên cứu làm cơ sở cho chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học đã xác định được các giá trị nổi bật của Tràng An, đó là văn hóa và cảnh quan, địa chất, địa mạo.
Xem thêm: 

Câu chuyện về người Việt cổ ở Tràng An

 PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết: Nhiều di chỉ khảo cổ học mới được phát hiện đã cho thấy Tràng An là một địa điểm quan trọng toàn cầu tái hiện và giúp chúng ta hiểu được cách người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan. ít nhất là từ khoảng 23.000 năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ Đá cũ qua thời đại Đá mới đến thời đại đồ Sắt và đồ Đồng.
Trong khoảng thời gian đó, khu vực này cũng đã trải qua một số lần dao động mực nước biển đáng kể. Trước biển tiến, người tiền sử chủ yếu sống dưới các mái đá cao, ở sâu trong trung tâm khối đá vôi Tràng An, cách biển khá xa.
Danh thắng Hoa Lữ
Danh thắng Hoa Lữ

Trong và sau biển tiến, họ đã hạ thấp xuống hơn và mở rộng phạm vi cư trú ra ven rìa khối đá vôi và xa hơn tìm kiếm các nguồn thức ăn cả trên núi lẫn dưới biển. Trong điều kiện tự nhiên đặc biệt, khi hầu như chỉ có đá vôi là chất liệu đá duy nhất, người Tràng An đã biết sử dụng nó làm công cụ lao động ít nhất cho đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm, trong quá trình đó đã nhận biết được rằng đá vôi đô-lô-mít thuộc loại chất liệu tốt nhất có thể có. Đồng thời với giai đoạn biển tiến lớn nhất cuối cùng (khoảng 7.000-4.000 năm trước) người tiền sử Tràng An đã biết tới nghệ thuật làm đồ gốm. Những chứng cứ sớm nhất được cho là tương đương với gốm Đa Bút ở Thanh Hóa (6.000 năm trước), nhưng thực tế đã được làm ra ở đây sớm hơn nhiều (khoảng 9.000 năm trước) và tiến hóa liên tục qua thời đại Kim khí (khoảng 4.000-3.500 năm trước) đến tận sau này. Việc sử dụng đồ gốm từ sớm và liên tục ở Tràng An chứng tỏ rằng một trung tâm gốm sứ rất khác biệt so với nhiều trung tâm gốm sứ khác ở Việt Nam đã từng tồn tại ở đây.

Hình ảnh hang động Tràng An
Hình ảnh hang động Tràng An
Khả năng thích ứng với môi trường luôn luôn biến động và việc sử dụng tài nguyên cả trên núi lẫn dưới biển và trong môi trường karst đầm lầy ven biển cũng đã làm cho người tiền sử Tràng An khác biệt hẳn so với nhiều nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác của Việt Nam như Hòa Bình, Đa Bút, Quỳnh Văn hoặc Cái Bèo. Có lẽ đó cũng chính là tiền đề để Hoa Lư, với địa hình karst vô cùng hiểm trở nhưng lại thuận lợi cho việc phòng thủ, trở thành kinh đô đầu tiên của nhà nước Việt Nam phong kiến tập quyền với những dấu ấn đặc sắc của 3 triều đại Đinh, Lê và Lý từ hơn 1.000 năm trước.
 Với những nghiên cứu và phân tích của mình, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng những giá trị về văn hóa của Tràng An phù hợp với tiêu chí 5: Là thí dụ điển hình về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển đặc trưng cho một nền văn hóa hoặc quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên đang trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược.
Danh thắng Tràng An
Danh thắng Tràng An
Cùng quan điểm về khảo cổ học với PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, TS. Masanari Nishimura, qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An trong bối cảnh Đông Nam á và Đông á, đã khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có 1 trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An đã trải qua nhiều sự biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển cho đến ngày nay, tạo nên một giá trị về một nền văn hóa Tràng An. Sau khi so sánh văn hóa ở khu vực Tràng An với một số khu vực Trung Quốc, Philippin, ông đã đề xuất tiêu chí 5.

“Vịnh Hạ Long hóa thạch trên cạn”

Về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo, Tràng An là một trong những cảnh quan karst dạng tháp nổi bật nhất trên trái đất, với tập hợp vô cùng phong phú và ấn tượng các tháp karst đơn lẻ, muôn hình vạn trạng, nổi cao khoảng 200m ở ven rìa khối đá vôi Tràng An, trên nền những cánh đồng bằng phẳng. Vào trung tâm khối là cảnh quan dạng chóp nón, đỉnh liên kết với nhau bao quanh các hố sụt nông, khô hoặc các thung lũng sâu, kín, đẳng thước hoặc kéo dài dạng tuyến, vách dựng đứng và quanh năm ngập nước… Sự có mặt của nhiều dạng cảnh quan karst dạng tháp và chóp nón đã khiến Tràng An trở nên khác biệt so với các vùng karst khác trên thế giới. Cộng hưởng với màu sắc, đường nét và vẻ đẹp của cảnh quan là lớp phủ thực vật nguyên sinh dày khắp mọi nơi, trên đỉnh các tháp, chóp, thậm chí cheo leo trên các vách núi. Không hề kém cạnh là hệ sinh thái đất ngập nước cùng mạng lưới dày đặc các dòng chảy êm nhẹ, xanh và sạch; nhiều nơi sông chảy qua những đoạn hang động ngầm dài, tối với muôn hình vạn trạng các nhũ đá rủ xuống từ trần hang. Cùng với đó là những cánh đồng lúa dọc hai bên triền sông và chiếm phần lớn diện tích vùng đệm… Thật dễ hiểu vì sao đây lại là cái nôi của người Việt cổ với dày đặc các di tích văn hóa-lịch sử…
Núi đá vôi ở Tràng An
Núi đá vôi ở Tràng An
Quần thể Tràng An là ví dụ nổi bật, đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.
Qua những nghiên cứu về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo, đại diện cho Viện địa chất và khoáng sản, TS. Trần Tân Văn đã khẳng định kết quả nghiên cứu khoa học về địa chất, địa mạo làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ di sản. Vì vậy Tiến sỹ đã đề xuất tiêu chí 7 (chứa đựng những hiện tượng tự nhiên đặc sắc hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ vượt trội) và tiêu chí 8 (là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật). Tiến sỹ Trần Tân Văn (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) cho rằng Quần thể danh thắng Tràng An được xem như là “Vịnh Hạ Long hóa thạch trên cạn”.

Tràng An sẽ là một di sản “kép”.

Lãnh đạo Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Phạm Cao Phong đánh giá: Việc Ninh Bình lựa chọn 3 tiêu chí bao gồm cả văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo để xây dựng hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An là con đường khó nhưng sẽ có cơ hội lớn để thành công. Tràng An đã mở đầu cho Việt Nam trong việc lựa chọn tiêu chí hỗn hợp khi xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ khi Ninh Bình xây dựng hồ sơ vì cùng một lúc phải bảo vệ 3 hồ sơ theo 3 tiêu chí và giữa 3 tiêu chí tưởng chừng độc lập nhưng lại phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để kể lại một câu chuyện về con người Việt cổ ở Tràng An đã tồn tại và thích nghi như thế nào qua những biến đổi của môi trường, khí hậu, địa chất thông qua các giai đoạn lịch sử của loài người. Tuy nhiên có thể khẳng định, với con đường này, cánh cửa để Tràng An trở thành di sản thế giới đã rộng mở.
Hang động tại tràng an
Hang động đẹp tại Tràng An
GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia nhận xét: Chúng ta xây dựng hồ sơ di sản thế giới là chúng ta đang chứng minh cho cả thế giới biết những giá trị nổi bật toàn cầu và khác biệt của Tràng An so với những khu vực khác trên thế giới, do đó ngoài những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo ở Tràng An được xem là độc đáo ở khu vực, khi xây dựng hồ sơ di sản cần có sự cộng hưởng của giá trị văn hóa. Nếu chỉ có những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, Tràng An khó có thể đánh giá hết những giá trị của mình để tạo nên sự nổi bật toàn cầu, nhưng thế mạnh của Tràng An chính là những giá trị về văn hóa tiêu biểu của khu vực Đông Nam á. Đây là khu vực có núi, có biển, đất liền; sự chuyển dịch của văn hóa loài người để thích ứng được với thiên nhiên và sống sót đến ngày nay đã tạo nên một chương cơ bản trong lịch sử loài người, vì vậy, nó có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. Với những giá trị to lớn về văn hóa ở Tràng An cùng với giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo độc đáo, tin rằng Tràng An sẽ là thành viên tiếp theo của di sản thế giới ở Việt Nam.